Sịnh ca (hay “sình ca”) người Cao Lan không biết có từ bao giờ, chỉ nghe người già trong làng trong bản kể chuyện người Cao Lan có bà chúa thơ tên là K’lau Slam (Lầu Slam, Kólau Slam) sinh ra trong một gia đình có hai anh em. Nàng càng lớn càng thông minh, lại có tài hát hay và biết sáng tác ra những câu hát để truyền lại cho người Cao Lan.
Chuyện xưa kể lại rằng: Nàng K’lau Slam tài giỏi, thông minh nổi tiếng gần xa, trai ở khắp nơi chèo thuyền chở ba thuyền sách chất đầy các câu hát tìm đến để hát thi với nàng. Cuộc thi hát kéo dài nhiều ngày đêm, trai các nơi hát hết ba thuyền sách mà vẫn thua cuộc phải ấm ức tức chết để lại ba thuyền sách sình ca cho người Cao Lan.
Cứ đến khi làng mình hay làng bên có hội là người anh trai lại tìm cách bày việc cho nàng K’lau Slam để ngăn không cho đi hội bởi vì sợ em mình đi hội hát thi thắng áp đảo làm người ta tức chết. Có lần người anh trai lấy đá cuội cho vào nồi đổ nước vào bảo em ở nhà luộc khi nào chín thì mới được đi xem hội. Trông chừng em đun bánh từ sáng tới chiều người anh yên tâm đi xem hội thì bà mở vung nồi ra thấy đá cuội.
Lầu Slam bèn lấy thóc nếp ra xay giã gói bánh trưng cho vào nồi luộc chín treo trước cửa nhà rồi đi xem hội. Đến khi người anh bắt gặp tra hỏi bánh chín chưa bà trả lời anh mình là bánh đã luộc chín treo ở cửa nhà. Người anh về nhà thì thấy bánh trưng đã chín thì thấy làm kinh ngạc lắm.
Hát sình ca của người Cao Lan tương truyền có nguồn gốc từ bà chúa thơ K’lau Slam truyền lưu từ đời này sang đời khác, những câu hát được chau chuốt sáng tác thêm ngày càng phong phú được ghi chép lại thành sách có đến 12 tập hát thâu đêm suốt sáng 12 ngày đêm. Nhà báo, nhà thơ Lâm Quý (1947 - 2007, là người con dân tộc Cao Lan xã Quang Yên) đã sưu tầm, biên soạn thành cuốn sách “Xịnh ca Cao Lan – Đêm hát thứ nhất, (Nxb Văn hóa dân tộc năm 2003). Theo nhà thơ Lâm Quý, riêng hát sịnh ca đêm thứ nhất đã bao gồm bảy đoạn khúc. Đoạn khúc hát thứ nhất là Hát mở đầu. Đoạn khúc hát thứ hai là Hát vào bản. Đoạn khúc hát thứ ba là hát Du hương ca, thứ tư là Bơi thuyền vượt biển, thứ năm là Hát chúc tụng, thứ sáu là hát Thỉnh mời thần ca hát, thứ bảy là đoạn khúc Hát về gà gáy và đoạn cuối đêm hát thứ nhất là đoạn khúc sình ca Hát chúc phụng chủ nhà.
Sịnh ca Cao Lan có nhiều cách hát. Phong phú và được ưa thích nhất là hát giao duyên giữa người con trai và người con gái. Người con trai hát trước thì người con gái hát đáp lại sau, hoặc ngược lại người con gái hát trước thì người con trai hát đáp lại. Ngoài cách hát giao duyên thì còn có cách hát chúc tụng ở lễ hội hay đi chơi vào bản, hát đám cưới, hát đám ma. Sịnh ca giao duyên để trai hay gái hát với nhau làm quen để yêu nhau nhưng tránh cùng anh em, họ hàng nội ngoại nên vào đám hát họ phải hát những câu hỏi nhau xem có anh em, dây mơ rễ má gì không ? Ví như người con trai hát:
Xác lộc co tàng vằn mờn săn
Mìn sú hò ca hò ốc nhằn
Mìn sú hò ca hò ốc chông
Hai hắn sắt lài pạo tùy chăn
Nghĩa là :
Đã đến đám hát phải hỏi họ
Hỏi qua họ hàng mới làm quen
Hỏi lấy họ nhà là họ nào
Mở miệng ra bảo cho anh rõ
Người con gái bên hát đáp lại:
Xác lộc co tàng vằn mờn săn
Mờn mỏi hò ca hò ốc nhằn
Mờn mỏi hò ca hò ốc chông
Hai hắn sắt lài pạo tùy chăn
Nghĩa là:
Đã đến đám hát phải hỏi nhau
Hỏi em họ nào, nhà nào rồi
Đừng hỏi họ hàng để làm gì
Mở miệng ra đây bảo anh rõ.
Người con trai hát:
Mờn sú chăn
Mờn sú háy mình pạo từu chăn
Mờn sú hới nình pạo từi sếch
Co tàng sác lộc hắn cam Slăm
Nghĩa là:
Hỏi thật rõ
Hỏi cho rõ anh bảo anh thật
Hỏi cho rõ em bảo anh biết
Đám hát tối nay mới cam lòng.
Người nữ hát đáp:
Làng dâu mờn nình nình pao chăn
Nình sì cao san sắt căm ngằn
Nình sì cao san sắt căm páo
Hai háu sắt lài pạo từi chăn
Nghĩa là:
Anh có hỏi em, em bảo thật
Em là cao sơn ra châu báu
Em là cao sơn ra vàng bạc
Mở miệng ra rồi bảo thật anh
Các câu hát giao duyên sình ca Cao Lan đều là hát hỏi, hát đáp. Hát chúc tụng cũng vậy, người hát ra thì phải có người hát đáp lại. Hát chúc tụng thì người trẻ người già đều hát được, người hát đáp từ cũng già trẻ gái trai đều được. Hát chúc tụng phải hát có ý nghĩa chúc mừng, không được chê có ý không hay.
Hát sình ca đám cưới cũng là hát đối đáp nhiều khi mang ý thách thức tài năng. Nhà trai nếu hát không hay, nghĩa không hay, không hát thắng nhà gái thì nhà gái không vội cho nhà trai vào nhà. Nhà trai phải xin thua và đặt tiền vào mâm lễ mới được vào nhà gái, nhà trai vào nhà thì hát chào hỏi họ hàng nhà gái, nhà gái không phải hát đối lại. Đến đêm mới hát giao lưu, mới hát đối đáp sôi nổi, vui vẻ.
Hát sình ca đám ma thì chỉ có thầy cúng hát trong nghi lễ làm nhà xe cho người chết chiều tối hôm trước. Ngày hôm sau đem nhà xe đi đốt hóa thì có mặt thông gia, liên gia đến làm lễ, đem theo lễ gồm có bánh trưng, gà cả con còn sống, không giết mổ. Hôm đó cũng chỉ có ông thầy cúng hát sình ca gọi là “Ca mào nhằn” tức là hát tiễn vong linh người chết đi bốn phương tám hướng nên không có người hát đáp lại.
Hát sịnh ca có hình thức tựa như hát hò vè đối đáp nhưng hát sình ca khác ở chỗ là lời hát, câu hát dựa vào những câu thơ ba chữ, bảy chữ. Nội dung ý nghĩa câu hát thì tùy thuộc vào hoàn cảnh đám hát nhưng đều có ý nghĩa giáo dục, ca ngợi tình cảm con người, làng bản, quê hương đất nước
Đỗ Hà - Lâm Dung