- Đẩy mạnh tư vấn, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đời sống và sản xuất các sản phẩm truyền thống.
- Xây dựng trung tâm công nghệ thông tin của huyện. Đây là địa chỉ nâng cao trình độ công nghệ thông tin không ngừng cho đội ngũ lãnh đạo đương nhiệm, theo yêu cầu phát triển lâu dài, theo chức năng nghề nghiệp chuyên sâu đồng thời là nơi cung cấp nguồn nhân lực CNTT cho các doanh nghiệp.
g) Định hướng giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo:
- Giai đoạn đến năm 2020, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3% tổng lực lượng lao động.
- Nâng cao thu nhập của người lao động lên trên mức bình quân chung của tỉnh.
- Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thông qua việc phân loại trình độ lao động, nhu cầu sử dụng lao động tại các ngành kinh tế... trên cơ sở đó lựa chọn các hình thức đào tạo cho phù hợp, tổ chức các khóa học ngắn hạn; vừa học vừa làm; chọn thời gian nông nhàn của người dân để tổ chức khóa học cho phù hợp.
- Giải quyết tốt vấn đề việc làm, trong đó tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng mức thu nhập của dân cư.
- Xây dựng các mô hình hỗ trợ vốn để phát triển chăn nuôi gia súc tại các xã, phát triển trồng các cây công nghiệp dài ngày, cây nguyên liệu, cây dược liệu.
- Nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ tại các xã cùng với bố trí các chợ một cách hợp lí tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của người dân.
- Đẩy mạnh việc hình thành và phát triển thị trường lao động. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Đẩy mạnh xuất khẩu lao động đi đôi với đào tạo nghề.
h) Định hướng củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở:
Đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, thôn, tổ dân phố, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức năng lực công tác tốt đảm bảo về tiêu chuẩn, cơ cấu, trình độ học vấn và có tính kế thừa giữa các thế hệ, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Bảo đảm trụ sở làm việc, trang thiết bị cho cả hệ thống chính trị cấp xã, Đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở thôn, khu dân cư theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
i) Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh:
- Phát triển kinh tế phải gắn chặt với đảm bảo và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, phải chú trọng tăng cường xây dựng các lực lượng vũ trang, công an nhân dân vững mạnh cả về tổ chức, nghiệp vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
- Tăng cường giáo dục ý thức quốc phòng cho toàn dân; đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh; kết hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với chiến lược quốc phòng - an ninh ngay từ khi xây dựng chiến lược, qui hoạch, kế hoạch và ngay trong từng dự án phát triển ngành, vùng, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực chủ yếu trên địa bàn huyện; hình thành và sẵn sàng triển khai các phương án tác chiến phòng chống bạo loạn trong mọi tình huống. Hoàn thành tốt công tác tuyển quân.
- Đẩy mạnh phòng chống tệ nạn xã hội, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại hình kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội: Nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, Karaoke. Quản lí chặt những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao và đang nhiễm HIV.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 của Chính phủ về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Phát động phong trào an ninh quốc phòng, phòng chống tội phạm từ cơ sở, đưa phong trào phát hiện, tố giác tội phạm đi vào chiều sâu.
4.3 Qui hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
4.3.1 Về giao thông:
- Mở rộng đường tỉnh lộ 306 và 307B đảm bảo giao thông thông suốt trong huyện và sang thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ.
- Lập dự án khoảng 3,5 km đường đôi trung tâm huyện lỵ, quy hoạch đường từ nút lập thể đường Xuyên Á (tại Văn Quán, Lập Thạch) đến khu vực huyện lỵ Sông Lô.
- Mở rộng mặt đê Tả Sông Lô rộng khoảng 24m kết hợp đường giao thông nối với phà Phú Hậu và kè đê Tả Sông Lô đảm bảo giao thông và phòng chống lụt bão.
- Đẩy nhanh tiến độ nhựa hoá, bê tông hoá, lát gạch các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ đường được kiên cố đạt trên 80%. Đến năm 2020 là 100%.
- Mở rộng và phát triển giao thông vận tải đường sông.
4.3.2 Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi:
Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, xây dựng thêm các trạm bơm ven sông, hồ, đập nhỏ nội vùng, các công trình tiêu úng các xã phía Nam, tiếp tục chương trình kiên cố hoá kênh mương. Mở rộng quy mô xây dựng các hồ đập giữ nước ở các xã miền núi và thoát nước ở trung tâm huyện, xây dựng hệ thống tiêu úng cống Đọ (Như Thụy).
4.4 Định hướng tổ chức không gian kinh tế xã hội và qui hoạch sử dụng đất
4.4.1 Tổ chức không gian kinh tế - xã hội:
Dưới giác độ môi trường, có thể chia huyện Sông Lô thành 2 nhóm vùng sau:
+ Vùng 1 (vùng đô thị - công nghiệp): Vùng này được xác định từ khu vực Tam Sơn đến đường Xuyên Á, đây được coi là vùng kinh tế mũi nhọn của huyện. Tại khu vực này sẽ tập trung các khu đô thị, các trung tâm thương mại – dịch vụ, khu dân cư, các khu công nghiệp...
+ Vùng 2 (vùng du lịch sinh thái): được xác định là toàn bộ khu vực còn lại của huyện, tại vùng này huyện có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
4.1.2 Hướng phát triển đô thị:
a) Quan điểm phát triển:
- Tại các vùng đô thị sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ, lấy hệ thống đô thị hiện tại làm nền tảng từ đó mà nâng cao chất lượng, tính đồng bộ của hệ thống đô thị.
- Phát triển vùng đô thị theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
- Quan điểm quy hoạch xây dựng theo hướng đô thị hiện đại, phải phù hợp với xu hướng đô thị hóa; tạo điều kiện mọi mặt cho địa phương đầu tư xây dựng phát triển kinh tế xã hội; lấy thế mạnh của huyện là Du lịch và tiểu thủ công nghiệp làm trọng tâm.
- Quy hoạch chung đô thị huyện lị Sông Lô phải mang tính hiện đại, cơ sở vật chất xã hội, kỹ thuật hạ tầng phải đồng bộ; phân khu chức năng đô thị theo hướng mở; khả năng hội nhập cao; có bản sắc địa phương; có khả năng mở rộng trong tương lai.
b) Mục tiêu và định hướng phát triển:
- Phát triển đô thị theo các trục đường giao thông huyết mạch của huyện trước hết tại các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bàn huyện.
- Xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, các cơ sở hạ tầng.
- Xác định quy mô, ranh giới, tính chất chức năng của từng khu đất trong đô thị, quy định về nguyên tắc việc kiểm soát phát triển cho từng khu vực về mặt không gian, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật...
- Cơ sở hạ tầng đô thị – thị trấn: Phát triển thành đầu mối lớn tập trung tất cả các dạng giao thông và thông tin viễn thông của huyện. Hiện nay và trong tương lai huyện cần nắm giữ và phát huy các lợi thế về đầu mối dịch vụ giao thông và bưu chính – viễn thông.
4.4.2 Qui hoạch sử dụng đất:
+ Định hướng sử dụng đất nông nghiệp: Dự kiến đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp của huyện sẽ là 10.238,57 ha, chiếm 68,11% % diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, giảm 206,16 ha so với hiện trạng năm 2009. Trong đó:
- Đất sản xuất nông nghiệp: Đến năm 2020 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện dự kiến còn 5.665,21 ha, chiếm 55,33% diện tích đất nông nghiệp của huyện và giảm 691,71 ha so với hiện trạng.
- Đất lâm nghiệp: Từ nay đến năm 2020 dự kiến diện tích rừng sẽ ngày càng tăng lên đạt khoảng 4.274,80 ha chiếm 41,75% diện tích đất nông nghiệp của huyện; tăng 335,55 ha so với năm 2009.
- Đất nuôi trồng thuỷ sản: Dự kiến đến năm 2020 diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản của địa phương sẽ đạt 298,56 ha, chiếm 2,92% diện tích đất nông nghiệp và tăng 150 ha so với năm 2009.
+ Định hướng sử dụng đất phi nông nghiệp:
- Đối với đất ở: Khu dân cư nông thôn đến năm 2020 dự kiến đất ở nông thôn đạt khoảng 365,16 ha, chiếm 63,19% diện tích đất ở của huyện. Khu dân cư đô thị: đến năm 2020 diện tích đất ở đô thị của huyện sẽ đạt 212,7 ha tăng 33,09 ha so với hiện trạng.
- Đất công nghiệp: Việc xây dựng 02 khu công nghiệp với quy mô mỗi khu từ 120 đến 200 ha thì dự kiến đến năm 2020 đất khu công nghiệp của huyện sẽ có khoảng 320-350ha.
- Về thương mại, dịch vụ, du lịch: đến năm 2020 diện tích đất dành cho khu vực thương mại, dịch vụ và du lịch sẽ đạt 3,54 ha, chiếm 0,19% diện tích đất có mục đích công cộng của huyện, tăng 1,9 ha.
+ Đất chưa sử dụng: Dự tính đến năm 2020, diện tích đất chưa sử dụng sẽ còn 470,28 ha, chiếm 3,13% diện tích đất tự nhiên của huyện, giảm 523,92 ha.
4.4.3 Qui hoạch phát triển nông thôn mới::
Phấn đấu đến năm 2015 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới từ 40-50%; đến năm 2020 là 70-75%.
Điều 2. Các giải pháp chủ yếu thực hiện qui hoạch:
2.1 Huy động nguồn vốn đầu tư:
Để đạt được mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2011 - 2020, ước tính nhu cầu vốn đầu tư theo (phương án chọn) trong thời kỳ này khoảng 23.460 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 5.967 tỷ đồng, bình quân 1.193 tỷ đồng /năm và giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 13.909 tỷ đồng, bình quân khoảng 2.781 tỷ đồng /năm. Vốn đầu tư cần phải được huy động từ các nguồn cơ bản sau: Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; Nguồn vốn từ các doanh nghiệp và nhân dân; Vốn tín dụng và liên doanh; Nguồn vỗn từ quỹ đất; Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI).
2.2 Giải pháp về nguồn nhân lực:
- Đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm. Hỗ trợ nâng cao năng lực của các Trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm.
- Chú trọng giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo nhiều trình độ phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện, trong đó quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao, nhà kinh doanh giỏi, đào tạo nhân lực khu vực nông nghiệp và nông thôn và một số ngành mũi nhọn.
- Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức các ngành, các cấp về pháp luật, quản lí và điều hành các lĩnh vực KT – XH, quốc phòng, an ninh. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Ban hành chế độ ưu đãi hấp dẫn để thu hút cán bộ giỏi ở các tỉnh và số sinh viên giỏi ra trường về công tác tại huyện. Lập kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp đủ sức tiếp cận những tiến bộ mới về khoa học quản lí, về công nghệ mới, biết dự báo và tiếp cận với thị trường để chủ động hội nhập vào tiến trình toàn cầu hoá.
2.3 Giải pháp về khoa học công nghệ và môi trường:
Nghiên cứu ứng dụng và triển khai là hướng được ưu tiên để đổi mới công nghệ với cơ cấu nhiều trình độ khác nhau. Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra cơ bản để khoa học công nghệ đóng góp có hiệu quả trong việc tham mưu cho huyện và các ngành kinh tế có được những quyết định đổi mới công nghệ. Theo hướng đó, khoa học công nghệ tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Đầu tư phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
- Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của huyện.
- Khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
2.4 Giải pháp về hợp tác quốc tế, khu vực:
Đây là giải pháp quan trọng, triển khai Nghị quyết 39/NQ của Chính phủ, tăng cường hợp tác liên kết vùng để tăng thêm sức mạnh cho phát triển: Tăng cường hợp tác liên huyện, liên kết, đồng bộ về các chính sách, chỉ đạo và điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch nhằm tăng thêm sức mạnh và tạo thị trường cho sản xuất của huyện. Để thực hiện, huyện cần tiến hành xây dựng chương trình hợp tác cụ thể trong từng giai đoạn phát triển với các huyện, ngành ở tỉnh.
2.5 Các giải pháp về điều hành vĩ mô:
+ Chính sách ưu tiên ngành mũi nhọn: Sau khi đó xác định được các ngành ưu tiên (như đó nêu ở phần trước: Thương mại, du lịch, đô thị...), cần xác định một hệ thống các chính sách nhằm tạo môi trường cho các ngành đó phát triển. Cần tạo môi trường thuận lợi, từng bước phù hợp với quá trình phát triển từ thấp đến cao, tạo cho doanh nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường.
+ Chính sách thị trường: Thị trường là một khâu rất quan trọng, nhiều tiềm năng của huyện chưa được khai thác hoặc khai thác chưa tương xứng chủ yếu là do chưa có thị trường tiêu thụ. Có 3 hướng thị trường cần khai thác là: (i) Thị trường nội huyện; (ii) Thị trường trong tỉnh; (iii) Thị trường ngoài tỉnh (thị trường xuất khẩu).
+ Chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần: Phát triển kinh tế nhiều thành phần là một trong những quan điểm cơ bản của quá trình đổi mới kinh tế. Do đó cần phải đảm bảo quyền bình đẳng trong sản xuất kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Chính sách kinh tế nhiều thành phần một mặt phải đảm bảo tính điều tiết vĩ mô của nhà nước, mặt khác phải đảm bảo tính cạnh tranh và thúc đẩy. Công cụ của chính sách kinh tế nhiều thành phần là pháp luật.
Điều 3. Tổ chức chỉ đạo thực hiện qui hoạch:
3.1 Phê duyệt, phổ biến và vận động nhân dân tham gia thực hiện quy hoạch:
- Tổ chức giới thiệu về mục đích, nội dung quy hoạch.
- Công khai cho dân biết các khu vực quy hoạch giao thông, công nghiệp, cảng...
- Công khai rộng rãi trong nhân dân các ngành, lĩnh vực, lãnh thổ được ưu tiên khuyến khích phát triển.
- Cụ thể hoá các nội dung quy hoạch vào các chương trình nghị sự, chương trình làm việc của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở.
3.2 Thường xuyên cập nhật, cụ thể hoá các nội dung quy hoạch:
- Phân công trách nhiệm rõ ràng cho tếng cơ quan triển khai thực hiện quy hoạch. Thực hiện quy hoạch này là trách nhiệm của mọi ngành mọi cấp.
- Quy hoạch cần được thường xuyên bổ sung cho phù hợp với những diễn biến tình hình của vùng, tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Tiến hành bổ sung điều tra, đánh giá, cập nhật các tài liệu cơ bản, chính xác các nguồn tài nguyên làm cơ sở chắc chắn cho các nghiên cứu phát triển chi tiết.
- Xây dựng và thực hiện các quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành...
3.3 Cụ thể hoá quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hàng năm:
- Mục đích của phân chia giai đoạn là tạo ra những bước đi phù hợp cho từng kế hoạch 5 năm.
- Nội dung của kế hoạch 5 năm phải thể hiện được tư tưởng chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, cụ thể hoá được các mục tiêu quy hoạch, lấy các mục tiêu quy hoạch làm cơ sở. Các kế hoạch hàng năm phải phù hợp với quy hoạch 5 năm.
3.4 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trực tiếp chỉ đạo triển khai, tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch. Các cấp uỷ Đảng thông qua hệ thống của mình cần phải có đủ thông tin để kịp thời phát hiện vấn đề và có ý kiến chỉ đạo. Hội đồng nhân dân các cấp đại diện cho nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát thực hiện quy hoạch.
3.5 Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện qui hoạch ở huyện: Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban.
Điều 4. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Sông Lô và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành.
|
T/M UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Phùng Quang Hùng
|